Lượt xem: 955

Cách mạng tháng Tám - Khát vọng ý chí độc lập tự do của toàn dân tộc

Hôm nay, ngày 19-8, đúng 75 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, Nhân dân cả nước đã nhất tề đứng dậy, làm nên cuộc cách mạng trên khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Để sau đó, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước Dân chủ Nhân dân dựa trên nền tảng của liên minh giai cấp công -  nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

    Đảng lãnh đạo - yếu tố quyết định đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám

    Nhìn lại chặng đường sau 75 năm kể từ khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công ở thế kỷ XX và thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, càng khẳng định chắc chắn rằng, nhờ có sự lãnh đạo của Đảng mà Cách mạng tháng Tám thành công. Nói cách khác, Cách mạng tháng Tám thành công không thể tách rời sự lãnh đạo tài tình của Đảng, và đây chính là yếu tố quyết định đến sự thành công rực rỡ ấy.


Nhân dân Sài Gòn biểu tình giành chính quyền ngày 25-8-1945. (Ảnh Tư liệu).

    Ngay sau khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tỏ rõ tính ưu việt trong việc lãnh đạo đất nước thoát khỏi chế độ phong kiến và sự cai trị của thực dân Pháp, cùng đồng minh phát xít Nhật. Muốn “loại trừ” chế độ phong kiến và “đập tan” mưu đồ cai trị của thực dân, đế quốc Pháp, không còn cách nào khác là dùng bạo lực cách mạng - tức là phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vùng dậy đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

    Xác định Nhân dân là lực lượng chủ lực trong cuộc đấu tranh, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp và các nguyên tắc chỉ đạo cách mạng. Đảng đã đặt “nhiệm vụ dân tộc lên hàng đầu” ngay trong Hội nghị Trung ương lần thứ Tám họp tại Pắc Bó (Cao Bằng) từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941. Tại hội nghị này, Đảng đã chỉ đạo tạm thời gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và nêu thêm khẩu hiệu giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công, thực hiện “người cày có ruộng”. Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) thay cho Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Có thể nói, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ Tám lúc ấy là một trong những nhân tố quyết định thành công của Cách mạng tháng Tám 1945.

    Trước tình hình chuyển biến nhanh của thời cuộc, từ ngày 13 đến 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, Tuyên Quang. Tại đây Đảng ta nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh tiến vào Đông Dương để hỗ trợ “giải vây” cho quân Nhật. Hội nghị đã phân tích, đánh giá, cân nhắc tình hình cách mạng Việt Nam; nhận định tương quan lực lượng giữa phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo với các thế lực thù địch cũng như các thế lực có liên quan, từ đó quyết định nhiều vấn đề trọng đại của cao trào cách mạng đất nước.

    Ngay sau Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào, ngày 16/8/1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi thư kêu gọi cho đồng bào toàn quốc: “Giờ quyết định cho vận mệnh của dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên? Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên”.

    Ngày 19-8-1945, Nhân dân cả nước đã vùng dậy làm cuộc cách mạng lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên trong lịch sử nước ta. Điều đó cũng khẳng định rằng, nhờ có sự lãnh đạo tài tình của Đảng với đường lối, phương hướng đúng đắn, thời cơ thích hợp, Cách mạng tháng Tám mới thành công. Từ đó, đã đưa Nhân dân lao động từ thân phận nô lệ lên làm chủ đất nước. Đưa dân tộc Việt Nam không có tên trên bản đồ thế giới thành dân tộc có chủ quyền; khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam mặc dù còn non trẻ; khẳng định sức mạnh đại đoàn kết của Nhân dân An Nam triệu người như một nhất tề đứng dậy đấu tranh giành lại quyền sống cho toàn dân tộc.

    Đánh giá về thời cơ lịch sử chín muồi và tinh thần cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

    Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

    Cách mạng tháng Tám thành công bên cạnh sự lãnh đạo tài tình của Đảng, phải nói đến lực lượng chủ lực làm cách mạng, đó là Nhân dân. Trước sự cùm kẹp “một cổ ba tròng” thực dân Pháp, phong kiến tay sai và phát xít Nhật, Nhân dân đã nhất tề đứng dậy đấu tranh lật đổ chính quyền. Đây là tinh thần yêu nước được kế thừa truyền thống “Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, Nhân dân lại kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.


Đoàn người biểu tình ngày 19 tháng 8 năm 1945 trước cửa Phủ Khâm Sai, Hà Nội, ảnh tư liệu lịch sử

    Nhìn lại sự kiện lịch sử Cách mạng tháng Tám 75 năm trước, ta thấy, dưới ngọn cờ cứu quốc của Mặt trận Việt Minh và sức mạnh quật cường, tinh thần sáng tạo của Nhân dân được nhân lên gấp bội. Sức mạnh quật cường ấy được nêu rõ trong Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh lúc đó: “Chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”.

    Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ ngày 14 đến ngày 18/8, Tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.

    Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội.

    Ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Cạn, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Bạc Liêu.

    Ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre…

    Chỉ trong vòng 15 ngày, cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân lao động.

    Từ việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng diễn ra tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Người cho rằng, đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược có ý nghĩa quyết định đến sự sống còn, thành bại của cách mạng nước nhà. Người luôn căn dặn: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi. Để lãnh đạo cách mạng thành công, Đảng phải dựa vào nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu và phục vụ”.

    Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trước lúc đi xa, Người cho rằng “Đoàn kết là tư tưởng ở tầm chiến lược và luôn nhất quán từ đầu đến cuối”. Vận dụng tư tưởng đại đoàn kết của Người, Đảng ta đã, đang và sẽ đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, suy thoái chính trị, toàn dân đoàn kết quanh Đảng, đó là sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ thù thời đại không tiếng súng, và chiến thắng giặc nội xâm - giặc được coi nguy hiểm hơn giặc ngoại bang giữa thời bình.

    Nhắc tới tinh thần đại đoàn kết toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, có sự đồng tâm hiệp lực, nội bộ nhất trí, xã hội đồng thuận; cách mạng muốn tiến lên càng phải xây dựng được khối đại đoàn kết vững chắc”.

    Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh 2/9 là dịp để Nhân dân cả nước tiếp tục khẳng định ý chí sắt đá của toàn dân tộc đoàn kết, tiếp tục học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vững bước đi theo con đường mà Đảng và Bác đã chọn.

Mai Thắng

 

    Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Đây là cuộc đấu tranh mở đầu cho phong trào giải phóng dân tộc ở các nước châu Á và châu Phi trong khối thuộc địa Pháp và là dấu mốc quan trọng đưa Việt Nam tham gia vào hệ thống Xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân do Nhân dân lao động làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng mác xít chân chính.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 71
  • Hôm nay: 6898
  • Trong tuần: 77,605
  • Tất cả: 11,800,925